Huyện Gò Công Tây nằm trong tỉnh Tiền Giang, Việt Nam.
Huyện Gò Công Tây nằm ở phía đông của tỉnh Tiền Giang, Việt Nam. Huyện có vị trí địa lý như sau:
Diện tích của huyện Gò Công Tây là 184,48 km², dân số năm 2020 là 127.753 người, với mật độ dân số đạt 692 người/km².[2]
Thị trấn Vĩnh Bình là huyện lỵ, nằm cạnh quốc lộ 50, cách thành phố Mỹ Tho khoảng 30 km về hướng đông và thị xã Gò Công khoảng 12 km về hướng tây.
Huyện Gò Công Tây có điều kiện khí hậu và thời tiết mang các đặc điểm chung sau:
Nền nhiệt cao, biên độ nhiệt ngày đêm nhỏ, khí hậu phân hóa thành 2 mùa tương phản: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4.
Nhiệt độ trung bình ở mức 27°C, chênh lệch giữa các tháng khoảng 3–5°C.
Tổng tích ôn năm cao, dao động trong khoảng 9.800–10.000°C.
Lượng mưa thuộc vào loại thấp so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khoảng dưới 1.350 mm/năm. Độ ẩm không khí bình quân dao động trong khoảng 79-82% và thay đổi theo mùa. Lượng bốc hơi trung bình đạt 3,5–4,0 mm/ngày.
Số giờ nắng trong năm cao, khoảng 2.400–2.600 giờ, và có sự phân hóa theo mùa.
Vào mùa mưa, gió mùa Tây Nam mang theo nhiều hơi nước với hướng gió thịnh hành là Tây Nam, tốc độ trung bình 2,4 m/s. Vào mùa khô, gió mùa Đông Bắc mang không khí khô có hướng gió thịnh hành là Đông Bắc và Đông, tốc độ gió trung bình đạt 3,8 m/s và thường gây gió chướng đẩy mặn xâm nhập sâu vào đất liền.[2]
Huyện Gò Công Tây có 13 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm thị trấn Vĩnh Bình (huyện lỵ) và 12 xã: Bình Nhì, Bình Phú, Bình Tân, Đồng Sơn, Đồng Thạnh, Long Bình, Long Vĩnh, Thành Công, Thạnh Nhựt, Thạnh Trị, Vĩnh Hựu, Yên Luông.
Theo số liệu dân số trung bình từ năm 2010–2020 (niên giám thống kê năm 2020 của huyện Gò Công Tây), biến động dân số trên địa bàn huyện không lớn, trung bình khoảng 450 người–500 người/năm. Cụ thể như sau:
Lịch sử phát triển dân số huyện Gò Công Tây qua các năm: Năm Số dân ±% 2010 125.452 —
2017 129.124 +2.9% 2018 127.763 −1.1% 2019 127.260 −0.4% 2020 127.753 +0.4%
Nguồn: Dân số huyện Gò Công Tây qua giai đoạn 2010–2020[2]
Dân cư phân bố không đồng đều giữa các xã, thị trấn. Do điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội là huyện nông thôn nên dân cư thành thị chiếm tỷ lệ thấp, dân cư sinh sống ở địa bàn nông thôn chiếm đến 91.12%, trong khi dân cư thành thị chiếm 8.88% dân số cả huyện. Tốc độ đô thị hóa chậm, phát triển công nghiệp và dịch vụ chưa cao.
Mật độ dân số tập trung cao ở vùng đô thị (thị trấn Vĩnh Bình): 1.493 người/km², trong khi các xã còn lại có mật độ dân cư trung bình (400–1000 người/km²) phân bố tương đối đồng đều, chênh lệch không lớn (591 - 793 người/km²).[2]